0899 909 880

Người quảng cáo cần làm gì khi Nghị định 91 chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác, email rác được áp dụng

Nghị định 91/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử và cuộc gọi rác đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/10/2020. Với những quy đinh tại nghị định 91, doanh nghiệp – những người chạy quảng cáo cần chú ý để điều chỉnh cho phù hợp, tránh những vi phạm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

1. Như thế nào là quảng cáo rác?

Quy định về các dạng tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác bao gồm theo Nghi định 91:

  • Tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng.
  • Tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi quảng cáo vi phạm các quy định thực hiện quảng cáo tại phần 2.
  • Tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Giao dịch điện tử, Điều 12 Luật Công nghệ thông tin, Điều 12 Luật viễn thông, Điều 8 Luật Quảng cáo, Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng, Điều 8 Luật an ninh mạng.

Khi nhận được những quảng cáo như trên thông qua tin nhắn, thư điện tử hay cuộc gọi, người dùng có quyền:

  • Chuyển tiếp thông tin về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác về hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (qua đầu số 5656), thư điện tử rác của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoặc của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, thư điện tử.
  • Được quyền nhận hoặc từ chối nhận quảng cáo bằng các cách như: phản hồi trực tiếp với người quảng cáo, đăng ký hoặc rút khỏi Danh sách không quảng cáo (DoNotCall).

2. Trách nhiệm của người quảng cáo

  • Phải kiểm tra Danh sách không quảng cáo (DoNotCall) để tránh việc gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại trong danh sách này.
  • Chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi được họ đồng ý trước về việc nhận quảng cáo qua một trong các cách sau:
    + Người sử dụng đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo sau khi người quảng cáo gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất.
    + Người sử dụng khai báo và xác nhận vào mẫu đăng ký trên giấy in, cổng/trang thông tin điện tử, các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội của người quảng cáo.
    + Người sử dụng gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến tổng đài thoại của người quảng cáo để đăng ký.
    + Người sử dụng dùng phần mềm hỗ trợ đăng ký nhận quảng cáo.
  • Cung cấp cho người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ chối nhận tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo trên cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
  • Chịu trách nhiệm và phải có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo.
  • Có giải pháp hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng trong việc từ chối nhận tin quảng cáo theo yêu cầu tại mục 3.1 và 3.2 trong nội dung này.
  • Phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, thư điện tử và các cơ quan tổ chức khác có liên quan trong việc quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại.
  • Lưu trữ thông tin đăng ký nhận quảng cáo, thông tin yêu cầu từ chối và thông tin xác nhận từ chối của người sử dụng để phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thời gian tối thiểu là 01 năm.

3. Người quảng cáo cần làm gì để phù hợp với nghị định mới này?

Với mỗi lần vi phạm, người quảng cáo có thể bị phạt từ 5 – 100 triệu đồng. Vì vậy người quảng cáo cần tuân thủ các nguyên tắc thực hiện quảng cáo qua tin nhắn, email, điện thoại:

  • KHÔNG được phép gửi tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách đăng ký từ chối nhận quảng cáo (DoNotCall), hoặc người sử dụng không đồng ý nhận quảng cáo trước đó.
  • Với những số điện thoại không nằm trong danh sách đăng ký từ chối nhận quảng cáo, người quảng cáo chỉ được phép gửi duy nhất một tin nhắn để xác nhận người dùng có muốn nhận tin quảng cáo từ mình không. Nếu người dùng từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời, người quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký hay quảng cáo nào khác.
  • Thời gian được phép gửi tin nhắn quảng cáo là từ 7h – 22h và cuộc gọi quảng cáo là từ 8 – 17 giờ mỗi ngày. Trừ trường hợp đã có thỏa thuận từ trước, người quảng cáo có thể thực hiện ngoài khung giờ này.
  • Trong vòng 24h, mỗi người quảng cáo không được gửi quá 3 tin nhắn đến 1 số điện thoại, 3 email đến 1 địa chỉ email và 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại
  • Ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người dùng, người quảng cáo phải chấm dứt tất cả các hoạt động gửi quảng cáo đến người dùng này.
  • Nội dung quảng cáo phải phù hợp với quy định pháp luật về quảng cáo.
  • Đối với tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo: chỉ được gửi tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo khi đã được cấp tên định danh và không được phép sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo.

Ngoài ra, trong từng hình thức quảng cáo bạn cần tuân thủ thêm các yêu cầu sau đây:

3.1. Yêu cầu đối với tin nhắn quảng cáo

Khi thực hiện các chương trình quảng cáo, người quảng cáo bằng tin nhắn phải gửi đồng thời bản sao tin nhắn quảng cáo tới Hệ thống phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656).

Về nội dung của tin nhắn quảng cáo:

  • Mọi tin nhắn quảng cáo đều phải được gắn nhãn: nhãn quảng cáo có dạng [QC] hoặc [AD], được đặt ở phần đầu tiên trong tin nhắn.
  • Trong trường hợp quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước thì phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước (Ví dụ: tin nhắn quảng cáo sản phẩm 3G, 4G, khuyến mãi nạp thẻ, giá cước của các nhà mạng di động, giá cước vận chuyển của đơn vị chuyển phát…).
  • Có chức năng từ chối theo yêu cầu bên dưới.

Về chức năng cho phép người dùng từ chối nhận tin nhắn quảng cáo:

  • Đặt ở cuối tin nhắn quảng cáo và được thể hiện một cách rõ ràng.
  • Trong trường hợp cần thiết, người quảng cáo bằng tin nhắn có thể cung cấp khả năng từ chối bổ sung như từ chối một sản phẩm hoặc từ chối một nhóm sản phẩm. 
  • Phải có phần hướng dẫn người sử dụng từ chối nhận tin nhắn quảng cáo mà người sử dụng đã đăng ký trước đó. Hình thức từ chối nhận tin nhắn bao gồm: từ chối bằng tin nhắn và từ chối bằng điện thoại.

3.2. Yêu cầu đối với cuộc gọi quảng cáo

  • Mọi cuộc gọi điện thoại quảng cáo đều phải có đầy đủ thông tin về người thực hiện cuộc gọi điện thoại quảng cáo (gồm tên, địa chỉ) và được giới thiệu đầu tiên trước khi cung cấp nội dung quảng cáo. Trong trường hợp quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước thì phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước.
  • Trường hợp người sử dụng từ chối nhận cuộc gọi điện thoại quảng cáo, người quảng cáo phải chấm dứt ngay việc tiếp tục gọi điện quảng cáo đến số điện thoại đó.

3.3. Yêu cầu đối với thư điện tử (Email) quảng cáo

Về nội dung của Email quảng cáo:

  • Chủ đề và nội dung của Email phải phù hợp với nhau, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quảng cáo.
  • Trong trường hợp quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước thì phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước.
  • Mọi Email quảng cáo đều phải gắn nhãn [QC] hoặc [AD] ở vị trí đầu tiên trong tiêu đề.
  • Có chức năng từ chối theo yêu cầu bên dưới.
  • Có thông tin về người quảng cáo bao gồm: tên, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ địa lý, địa chỉ cổng/ trang thông tin điện tử, mạng xã hội (nếu có). Phần thông tin này phải đặt liền trước phần cho phép người dùng từ chối nhận quảng cáo.

Về chức năng cho phép người dùng từ chối nhận Email quảng cáo:

  • Được đặt ở cuối mỗi Email quảng cáo.
  • Phải có phần khẳng định người sử dụng có quyền từ chối tất cả sản phẩm từ người quảng cáo.
  • Trong trường hợp cần thiết, người quảng cáo bằng thư điện tử phải cung cấp khả năng từ chối bổ sung như từ chối một sản phẩm hoặc từ chối một nhóm sản phẩm.
  • Phải có hướng dẫn rõ ràng về các hình thức từ chối thư điện tử bao gồm: từ chối qua cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội; từ chối bằng thư điện tử; từ chối qua điện thoại.

Ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo phải gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối. Nội dung bao gồm: phần khẳng định đã nhận được yêu cầu từ chối, thời gian nhận yêu cầu từ chối và thời điểm ngừng gửi thư điện tử quảng cáo. Nội dung này chỉ được gửi thành công một lần và không chứa thông tin quảng cáo, sau đó phải chấm dứt việc gửi thư điện tử quảng cáo đến người sử dụng.

Ví dụ:  Bạn đã hủy đăng ký thành công nhận email quảng cáo từ ABC, vào lúc 15:23:18 ngày 03/10/2020. Chúng tôi sẽ ngừng gửi thông tin đến email này kể từ bây giờ.

Nghị định 91/2020 ban hành giúp giải quyết được vấn nạn “rác điện tử” một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp đang tiếp thị chủ yếu qua các kênh này sẽ dần bị hạn chế, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Cho nên đây cũng là thời điểm tốt để những người làm quảng cáo nhìn nhận lại phương thức tiếp thị một cách tràn lan qua tin nhắn, email, điện thoại của mình đã thật sự hiệu quả chưa. Từ đó thay đổi cách làm bằng việc thấu hiểu khách hàng, tạo ra giá trị để hấp dẫn, thuyết phục họ tự tìm đến và mua sản phẩm của doanh nghiệp, đáp ứng được xu hướng Inbound Marketing đang lên ngôi.

Tham khảo một số dịch vụ SMS/VOICE cho phép quảng cáo chính thống:
SMS Brandname – tin nhắn thương hiệu
Voice Brandname – cuộc gọi thương hiệu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Topup-Nạp tiền ĐT Voice Brandname Tổng đài viên Tổng đài